31 Lượt xem

Tin tức giáo dục

Có nên lấy đô thị đại học làm thành phố thông minh?

Mô hình phát triển đô thị thông minh gắn với đại học đã được thực hiện triển khai thành công ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới góp phần trở thành động lực và nền tảng phát triển bền vững riêng của chính đô thị. Tại Việt Nam, trong xu thế nghiên cứu ứng dụng triển khai đô thị thông minh rộng rãi trên khắp cả nước, việc lựa chọn phát triển đô thị đại học trên nền tảng đô thị thông minh có thể là một mô hình rất tốt tạo ra một cách làm mới, mang lại nhiều lợi thế cạnh trang riêng cho đô thị, phát huy các thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực riêng của từng địa phương. Bình Dương với các thế mạnh vị trí đắc địa trong vùng kinh tế trọng điểm, có cơ sở hạ tầng công nghiệp phát triển, nguồn nhân lực dồi dào,… nếu được lựa chọn phát triển theo mô hình đô thị thông minh gắn với đại học sẽ phát huy được các thế mạnh tiềm năng đặc thù, đón đầu có hiệu quả sự phát triển của kinh tế tri thức, tạo ra một tầm nhìn phát triển đô thị bền vững dài hạn trong tương lai.

Khu trung tâm thành phố mới Bình Dương

Đô thị thông minh gắn với Đại học là động lực tăng trưởng kinh tế tri thức

Đây là xu hướng tất yếu trong sự thay đổi của các trường đại học để trở thành các Đô thị đại học, có tính cạnh tranh cao trong thời kỳ hậu công nghiệp và kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức là một lĩnh vực kinh tế mới bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, là công cụ mang lại khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin, nó ngày một phát triển và bắt đầu san phẳng lãnh thổ thông qua các hiện tượng: chảy máu chất xám, chuyển giao công nghệ, uỷ quyền phát triển tri thức,… Do đó, một chiến lược thu hút đầu tư đối với lĩnh vực kinh tế này phải được đặt ra đối với mỗi vùng lãnh thổ, mà Bình Dương không thể bỏ qua: “Kinh tế tri thức là một thay đổi về chiều sâu của kinh tế công nghiệp có tác động đến toàn bộ các công ty” (theo SKEMA).
Sự xâm chiếm của công nghiệp và công nghệ cao thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất hàng hoá. Điều này nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thô của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, nơi đặt các công xưởng sản xuất. Chính vì vậy, kinh tế tri thức sau công nghiệp dường như thành lĩnh vực hoạt động quyết định sự phát triển của mỗi khu vực. Đối với các kinh tế thông thường được xác định bởi tích số của người tiêu dùng và giá trị thặng dư, còn lĩnh vực kinh tế tri thức lại trực tiếp xem người sử dụng như là tài sản cốt lõi của kinh tế. Nguyên nhân nằm ở sự khác nhau cuả sự sử dụng, khi sử dụng không làm phá huỷ tri thức. Thậm chí, “nó còn được làm giàu lên và tăng chất lượng khi số lượng kĩ sư, nhà khoa học hoặc các nhà thực nghiệm học cách sử dụng tri thức” (Foray, 2009). Mục đích của kinh tế tri thức là hướng đến một thị trường được sử dụng một cách đặc biệt nhờ tăng tối đa khả năng tiếp cận và tri thức. Từ đó tri thức phát sinh “cái mới”, tiếp tục được tạo điều kiện cho việc sản xuất và phân phối hiệu quả. Trong sự tiếp diễn đó, phải tạo ra thể chế cho phép các hoạt động được liên tục thông qua các mô hình đô thị được gọi là đô thị tri thức, mà đô thị đại học là bước đi đầu tiên của nền kinh tế này, cần tầm nhìn và sự thay đổi căn bản về thể chế để giải phóng tiềm năng phát triển nó.

Một số vấn đề đặt ra cho tư duy về đô thị Đại học

Thay đổi tư duy phát triển – hoạt động của các trường đại học hình thành thị trường tri thức trên nền của đô thị thông minh: Trước đây, các quốc gia kém phát triển có thể nhanh chóng học tập công nghệ và có được cơ sở vật chất từ các nước phát triển khi đầu tư. Nhưng hiện nay tình hình đã đổi khác, nếu không thay đổi để phù hợp với kinh tế tri thức, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam không còn đủ điều kiện để tham gia sân chơi mới một cách chủ động. Một lần nữa chậm chân, Việt Nam có thể tiếp tục trở thành các thuộc địa kiểu mới trên tri thức. Khác với trước đây, văn minh – văn hóa nông nghiệp phải cần cả trăm, ngàn năm để phổ cập rộng khắp thế giới, thì văn minh – văn hóa công nghiệp chỉ mất vài trăm năm, còn văn minh – văn hóa công nghệ, thông tin chỉ mất vài chục năm. Với việc sử dụng các nền tảng chia sẻ thông tin của đô thị thông minh giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ giao thoa và sức lan tỏa toàn cầu ngày một nhanh hơn tạo ra thế mạnh tri thức cho đô thị.

Xây dựng hệ thống quản lý của nền kinh tế tri thức để hình thành đô thị thông minh hơn: Thị trường tri thức được hình thành dựa trên các mối quan hệ giữa khoa học – công nghệ – sản xuất. Trong phát triển đô thị, nỗ lực liên kết nhiều loại hình hoạt động đang là xu thế tạo sự mạnh mẽ, được tạo dựng thông qua một không gian hấp dẫn và tăng cường tương tác để nhanh chóng đưa ra sự tiến bộ hơn của đô thị. Con người trở thành tài nguyên chính được sử dụng để tính toán trong phát triển kinh tế tri thức. Trong quá trình đó, Công nghệ thông tin và truyền thông (TIC) cho phép con người có được khả năng tìm kiếm nhanh chóng và lan tỏa mạnh mẽ. TIC như là một cánh cổng để đi vào một thị trường lớn, nơi cho phép mở rộng giới hạn của bản thân tri thức khi thâm nhập vào đó. Có nghĩa đây là một phương tiện để gia nhập với cộng đồng chung chứ không đơn thuần chỉ để liên lạc hay tìm kiếm.

Ngày nay, chi phí để chia sẻ thông tin gần như là miễn phí do lợi nhuận thu về rất lớn từ tri thức và sự đổi mới liên tục sau sự chia sẻ thông tin. Rõ ràng thông tin là một món hàng quý giá trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, “Thông tin chỉ là tập hợp những dữ liệu, một vài định dạng những trơ lì và bị động, không thể tự đối chiếu với một khả năng của hoạt động mà nó bao gồm.” (Foray, 2009). Cấu trúc của lĩnh vực kinh tế tri thức thể hiện rõ tầm quan trọng của yếu tố môi trường bao chứa nó, cần qui mô kết nối lớn hơn (như dạng đô thị đại học) để kết nối với các công ty, hệ thống nghiên cứu và đào tạo, hay từ nguồn nhân lực nước ngoài. Cấu trúc đô thị đại học là nơi kết nối với con người, tối đa hoá khả năng tiếp cận thông tin, rồi làm nâng cao giá trị của tri thức dựa trên các phân tầng khác nhau. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng một hệ quản lý kinh tế tri thức như một mô hình sinh thái gồm các yếu tố thúc đẩy nền tảng tư duy và sản phẩm trí thức góp phần tạo dựng trở lại tính thông minh, kiến tạo cho đô thị.

Mô hình quy hoạch khu đô thị đại học thông minh Barcelona Smart City Campus (Tây Ban Nha)

Đô thị tri thức và hạt nhân của thị trường tri thức – Mô hình nào cho Bình Dương?

Bình Dương nằm sát thành phố ”Mẹ” TPHCM – nơi rất khó tạo ra các đô thị đại học tập trung do thiếu quĩ đất và chịu sự chia cắt các chức năng đô thị tích lũy trong quá khứ, nhưng lại có nguồn cung sinh viên dồi dào cho các tỉnh lân cận. Bình Dương đang sở hữu hạ tầng kỹ thuật và xã hội tốt nhất trong các tỉnh liền kề TPHCM do nhiều năm nằm ở tốp đầu những tỉnh có công nghiệp hóa thành công. Việc phát triển kinh tế trí thức đi đôi với phát triển công nghệ là xu hướng không thể đảo ngược ở đây.

Chính phủ chọn vị trí xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM mới nằm trên đất Bình Dương tại Thủ Đức (TPHCM) và Dĩ An (Bình Dương) với diện tích rộng 643,7ha theo mô hình đô thị khoa học hiện đại càng mang đến các lợi thế phát triển cạnh tranh cho Bình Dương trong mối quan hệ lân cận với TPHCM để đẩy phát triển nền kinh tế đại học đã triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị đại học trên nền tảng đô thị thông minh để Bình Dương có thể trở thành trung tâm kinh tế trí thức của cả Nam, Trung bộ, là nơi đào tạo cán bộ chuyên gia, những người có đủ năng lực đưa đất nước hội nhập, sẽ là cánh cửa phát triển thay đổi diện mạo đô thị Bình Dương.

Tầm nhìn kinh tế – xã hội từ góc nhìn của đô thị thông minh gắn với Đại học ở Bình Dương

Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử có tới hơn một nửa dân số thế giới, nghĩa là khoảng 3,3 tỷ người, cư trú tại các khu vực đô thị và các khu sản xuất, dịch vụ. Con số sẽ tăng lên gần 5 tỷ người vào năm 2030 (UN-Habitat, 2008). Hơn 90% tăng trưởng đô thị diễn ra ở các nước đang phát triển như Việt Nam và tới năm 2030 – 2050, châu Á sẽ chiếm tới 63% dân số đô thị toàn cầu. Sự tăng trưởng dân số đô thị và công nghiệp trên toàn thế giới đi kèm với sự gia tăng về số lượng và quy mô của các đô thị. Vấn dề đặt ra là nên phát triển mô hình đô thị nào và đô thị nào có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Mô hình đô thị thông minh gắn với đại học là lời giải khá rõ về đô thị hóa thành công ở các nước phát triển.

Thời kỳ hậu công nghiệp, dân cư đô thị liệu có khả năng cạnh tranh với các cỗ máy giá rẻ hiệu năng cao mà rủi ro thấp đặc thù dành cho sản xuất? Đối với các nhà doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài, họ có xu hướng xây dựng các cơ sở mới thay vì tái cơ cấu hay nhóm các cơ sở cũ trong hệ thống. Có nghĩa là họ bỏ qua giải pháp đào tạo yếu tố con người mà sử dụng công nghệ nước ngoài nhằm nhanh chóng bắt kịp với “chuẩn” quốc tế. Nó chỉ ra sự lạc hậu hiện nay của khoa học và công nghệ, cái mà có nguồn gốc từ hạ tầng giáo dục. Tuy nhiên, chính khoảng cách so với “tiêu chuẩn” đó lại là tiềm năng phát triển lớn trong thế giới tri thức.

Mô hình đô thị đại học trên thế giới là gì? Đó là một “thành phố tri thức” dựa trên nền tảng của đô thị thông minh, tọa lạc trên một diện tích rộng lớn, có thể có một trường đại học đa ngành là trung tâm hoặc quy tụ nhiều trường đại học đơn ngành, các trường này là những bộ phận cấu thành một thành phố đại học. Đó là một không gian hoàn chỉnh đa chức năng bao gồm không gian học thuật, nghiên cứu – phát triển; không gian dịch vụ và không gian văn hóa – thể thao – nghệ thuật. Giữa các trường đại học không tồn tại quan niệm đất của trường này hay trường kia, không có ranh giới cứng tường xây, hàng rào kín cổng cao tường, mà là không gian mở. Đặc biệt trong đô thị đại học, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường sá, xe buýt nội bộ, cấp thoát nước, hệ thống điện, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường được kết nối liên thông với nhau theo tính chất của một đô thị thông minh.

Tương tự, hệ thống dịch vụ như ký túc xá, nhà ăn, nhà hát, câu lạc bộ, siêu thị, bệnh viện, sân thể thao, hệ thống phục vụ đào tạo như phòng thí nghiệm, thư viện, hội trường,… cũng như không gian công cộng như công viên, rừng sinh thái, khu vui chơi giải trí là của chung, không có chuyện phân biệt “công dân” trường này hay trường kia được sử dụng. Với cách tổ chức như thế, rõ ràng Nhà nước có thể đầu tư tập trung lớn và khai thác hiệu quả cao, đồng thời cũng hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào theo chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước là chủ đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kĩ thuật và vật chất cơ bản, còn kêu gọi đầu tư tư nhân vào các loại dịch vụ. Một khi các trường liên thông với nhau thì đương nhiên nhà đầu tư có thể yên tâm đổ tiền vào các dịch vụ chất lượng cao, có khả năng sinh lời như nhà ăn, ký túc xá sinh viên, siêu thị, bệnh viện, xe buýt…

Hạt nhân đô thị đại học đã hình thành thì các khu dân cư ăn theo nó chắc chắn sẽ phát triển và có “nồi cơm” của kinh tế trí thức, bền vững, lan tỏa ra các vùng lân cận và ra quốc tế.

Xây dựng đô thị thông minh gắn với đại học, đi đầu là những tỉnh đã có công nghiệp hóa làm nòng cốt như Bình Dương 

Để khắc phục có hiệu quả các vấn đề phát triển đô thị Việt Nam hiện nay đang gặp phải như áp lực về dân số và đất đai nặng nề, còn thiếu một cộng đồng là chủ thể trong quy hoạch phát triển các đô thị, trải dài đô thị mà không có cấu trúc phát triển, Bình Dương nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội ở chính những bất cập này để phát triển mô hình trường đại học – doanh nghiệp, các trường đại học – đô thị đại học tiên phong, để trở thành thành trung tâm trong lĩnh vực kinh tế mới. Khi đó, đô thị tri thức tại đây có vai trò dẫn hướng phát triển chung.

Đô thị cần được đầu tư thích đáng bằng chính sách đầu tư công dài hạn về khung hạ tầng và xã hội hóa các đơn vị thành phần. Không thể được xây dựng chỉ bởi một trường đại học lớn hay bằng các chính sách phát triển mang nặng tính chính trị. Đây là bài toán mà tất cả người dân tham gia, các tổ chức liên quan và nhất là các nhà trí thức, họ là các nhân tố cùng tham gia xây dựng cấu trúc chung của đô thị. Một thị trường tri thức tiềm năng là sự tổng hoà của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí là cả lịch sử, văn hoá sống. Trong đó thì kinh tế đại học đóng vai trò trung tâm, là địa điểm xoay vòng tái sản xuất tri thức, taọ điều kiện để tri thức hoạt động và phân phối như là tổng kho cung ứng lớn. Các phòng nghiên cứu và thực nghiệm đóng vai trò chủ chốt trong bản đồ định hướng lãnh thổ mới. Có thể nói, Đại học thế kỷ 21 được tổ chức xung quanh các hoạt động của kinh tế tri thức và không chỉ nằm trong một lãnh thổ chuyên biệt nào.

Phát huy các lợi thế trong phát triển đô thị thông minh gắn với đại học tại Bình Dương

Bình Dương là một tỉnh – khu công nghiệp, nó mở ra sự mở rộng đô thị và phát triển số lượng hàng hoá một cách nhanh chóng. Trong khi, các nhà hoạch định chính sách thì hướng tới tương lai, còn các nhà quy hoạch thì nghiên cứu sự liên minh giữa các mối quan hệ. Họ áp đặt lên từng bước phát triển của thị trường hiện nay, bao gồm cả thị trường tri thức. Mô hình này gây áp lực từ trên xuống tới thế giới học tập và nghiên cứu, nơi mà chúng ta đòi hỏi ngày một nhiều số lượng hiệu quả của sản phẩm tri thức. Bởi vì lợi nhuận là vấn đề muôn thủa của các cơ sở, cũng là tranh chấp bên trong nó giữa một bên là chủ sở hữu và một bên là các giảng viên. Cũng vì lẽ đó mà, “Từ nhãn quan của một người sống ở Việt Nam, trường đại học phi lợi nhuận là một khái niệm thuần tuý lý thuyết.” (NGO, 2014). Lợi nhuận hay không lợi nhuận với khuynh hướng toàn cầu hoá cũng bắt đầu lẫn lộn và cũng chỉ có giá trị nhất thời, phụ thuộc vào thời cuộc. Khó có thể thẩm định một trường đại học đơn giản bằng một phép toán tài chính như vậy vì trường đại học không phải là một công ty. Ngoài khối tài sản hữu hình của một cơ sở, chủ yếu là bất động sản, thì những trường đại học tốt còn sở hữu một tài sản vô hình nhưng vô cùng to lớn, đó là uy tín học thuật được xây dựng bởi nhiều thế hệ giảng viên.

Khi xây dựng mô hình này cần xây dựng hình ảnh cho một đô thị tri thức được tính đến bởi các thị trường và các dịch vụ phụ trợ, là cơ hội để các nhà trí thức có năng lực trực tiếp tham gia vào chính sách phát triển. Bình Dương cần mở ra một không gian tri thức cho công nghiệp và cả công nghệ cao, là mô hình cộng sinh giữa các công ty và đại học. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Bình Dương có cơ sở cho mối quan hệ cần thiết giữa ngành công nghiệp và hoạt động tại giảng đường và các phòng nghiên cứu. Điều này đặc biệt khăng khít ở các trường đại học ở ngoại vi ở các vùng trọng điểm công nghiệp nhờ vào khả năng cung cấp nhân lực và cải tiến dây chuyền. Hai tổ chức này là chuyên biệt hoá nhưng lại có mối quan hệ cộng sinh quan trọng. Trường đại học trở thành một chìa khoá cho chính sách phát triển hậu công nghiệp bằng sự phong phú trên mọi cấp độ. Cần hiểu rằng, động thái di dời trung tâm đô thị thành Trung tâm tri thức này không phải là một sự tổ chức không gian thuần túy vật lý, mà là sự thay đổi về mặt nhận thức trong trường đại học, cũng như trong công ty và sự cải tiến kinh tế này không thể thiếu sự tham gia của xã hội.

Tư duy quy hoạch không gian cho Đô thị Đại học ở Bình Dương

Đầu tiên phải kể đến vị trí ưu tiên gần vành đai đô thị, khi hội đủ các yếu tố để trở thành “Hubs” tri thức của một vùng đô thị trung tâm lớn metropolitaine như TPHCM. Đó là một vai trò quan trọng mà có thể kết nối trực tiếp với các tổ chức khác nhau hoạt động dựa trên tri thức, là nơi có khả năng điều tiết và cải tiến nhanh chóng thị trường tri thức. Nó hiện nay vô tình trở thành một mô hình đại học quy mô vừa, có nhiệm vụ đồng nhất các mô hình khác nhau bên trong và ngoại vi đô thị, góp phần thiết lập thể chế trong lĩnh vực kinh tế tri thức hiện nay.
“Từ sự quan tâm các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, nhiều đô thị đại học tìm kiếm thực hiện các dự án ”khoa học” để lôi kéo nguồn (nhân lực và tài chính), để hướng tới tính cạnh tranh khốc liệt… Lăng kính mới của đô thị, các trường đại học củng cố vị trí kinh tế xã hội trong vùng và ngày càng khẳng định đó là chìa khóa trong quy hoạch đô thị”.

Nhận thức này hướng khái niệm về không gian tri thức về các “đô thị số hóa” hoặc các “đô thị cực lớn” nhằm sinh ra các hình thái mới cho tính cạnh tranh và hấp dẫn của đô thị kiểu mới. Mặc dù vậy, vẫn luôn tồn tại hai mặt của vấn đề mật độ trong quy hoạch đô thị đại học. Kinh tế tri thức mang lại sức hấp dẫn to lớn, và có khả năng vươn xa không giới hạn, vốn phụ thuộc vào mật độ hoạt động của các chức năng liên quan đến tri thức. Nhưng việc xây dựng các công trình dịch vụ văn hóa, thương mại hoặc các hoạt động dịch vụ tri thức trong các vùng công nghiệp phải mang lại sự cân bằng giữa hoạt động của đô thị và các trường đại học.

Ở Bình Dương nên tạo ra một mạng lưới các trường đại học nhỏ và vừa, thường là các trường đại học tư cao cấp được thiết lập ngay trong đô thị, đồng thời với mô hình đô thị đại học liền kề với TPHCM mà Đại học Quốc gia đang xây dựng đã tạo cơ sở ban đầu cho đô thị.

Ở Bình Dương đã có thể nói đến lý thuyết phát triển theo chiều sâu, bởi mỗi lãnh thổ phát triển kinh tế tri thức cần có đô thị tri thức lớn của mình nhằm đảm bảo sự thu hút nhất định đối với thị trường đầu tư thế giới, đồng thời cũng là phương thức để truyền tải trong lĩnh vực kinh tế tri thức. Nguyên nhân chính hình thành các thể chế công nghệ lớn, mặc dù bên cạnh đó là rủi ro hoang mạc hoá tri thức, có nghĩa là nó dẫn đến sự lãng quên tri thức, thậm chí là ngay bên trong các trung tâm công nghệ cao. Giải pháp giảm thiểu rủi ro này là tăng cường tự chủ, nhanh chóng tiếp cận tri thức thế giới và nhất là kết nối đối với các trường đại học ở vành đai với sự đóng góp tiềm năng của tầng lớp sinh viên thế kỷ 21. “Chúng ta phải phát triển một tầm nhìn chiến lược ban đầu vị trí của mình trong nền kinh tế tri thức và thực hiện các chính sách để thực hiện”. (Foray et Ark, 2007). Bình Dương hết sức tránh các dự án đô thị không có kết nối tri thức, không có dân cư, với các phân lô thành những khu rời rạc xung quanh ngoại vi hiện nay.

Mặc dù không có một công thức chung nào cho phát triển các mô hình đô thị đại học, nhưng nói chung có thể phân ra 3 mô hình hoạt động chính sau đây của đô thị đại học để Bình Dương tham khảo. Các hoạt động đó là:

– Đô thị tri thức năng động

– Trung tâm công nghệ cao

– Tổ chức “công nghiệp đặc thù”

Chúng ta gọi tên các mô hình trên để nói lên đặc trưng của các hoạt động chuyên sâu, tương tác với nhau giữa các loại hình: “Mỗi thành phố phải dựa trên chiến lược riêng của địa phương, trên nguồn vốn tri thức của vùng và chính sách vùng. Sự phức tạp của tri thức cần được dựa vào nguồn lực và đặc thù địa phương.” (Kunzmann, 2012). Cấu trúc đô thị và các tác nhân kinh tế, xã hội hẳn nhiên là sẽ được phân xử đủ minh bạch thông qua hệ thống quản lý của kinh tế tri thức. Chúng thậm chí còn có thể hình thành một “mô hình tương tác” mà cho phép người dân có cơ hội xây dựng đô thị của họ.

Đô thị đại học thông minh New Castle Smart City Campus (Anh)

Các dạng Đô thị Đại học thích hợp với phát triển bền vững Bình Dương

Haggett và Chorley là những lý thuyết gia về xây dựng mô hình quan hệ giữa các đơn vị đô thị về không gian, đặc biệt dựa trên cấu trúc kết nối về giao thông và hệ thống thoát nước thải. Đến cuối thế kỷ 20, Wassermann và Fraust đã bổ sung vào hệ thống lý thuyết này các mối quan hệ xã hội và chức năng giữa các đơn vị đô thị và diễn giải chúng dưới dạng sơ đồ cấu trúc. Sau đó, O’Sullivan (2001) đã tìm cách định lượng hóa cấu trúc quan hệ giữa các đơn vị đô thị bằng phương pháp đo lường và diễn giải toán học. Theo đó, 3 nhóm chính của cấu trúc quan hệ đô thị, trong đó sử dụng thành công cho đô thị đại học, bao gồm: cấu trúc trung tâm, cấu trúc liên kết nhóm và cấu trúc tương đồng.

Dựa trên hệ thống lý thuyết đó và các nghiên cứu thực nghiệm cho đô thị đại học, có thể đề xuất 4 mô hình cơ bản của quan hệ giữa đô thị đại học và thành phố và giữa chúng với nhau như sau: Mô hình đô thị đại học trung tâm, tạo cực hút cho các vùng xung quanh nó; Mô hình đô thị đại học từ liên kết thành nhóm, cụm; Mô hình đô thị đại học phụ thuộc; Mô hình đô thị đại học hỗn hợp.

Đối với Bình Dương, có thể áp dụng mô hình Đô thị đại học ở ba dạng (1), (2) và (3) như sau:

Mô hình liên kết cộng sinh thường được hình thành khi xuất hiện cụm đại học gồm nhiều trường đại học đồng đẳng về mặt cấu trúc và qui mô. Chúng có nhu cầu liên kết lại để phát huy tốt hơn nội lực sẵn có, mặc dù có thể không bù đắp được sự thiếu hụt cho nhau. Tuy nhiên khi liên kết, chúng sẽ tạo ra một “vùng lân cận” nội bộ, có khả năng tạo được sức hút, từ đó hấp dẫn được các đơn vị chức năng khác trong vùng lân cận chia sẻ nội lực.

Kết luận

Trong bối cảnh ngày một năng động hơn, không một đô thị nào đứng yên. Nó chờ đợi những tác nhân mới tham gia. Trong trường hợp ở Bình Dương là sự tham gia của nền công nghiệp tri thức trong không gian đô thị. Mà tất cả các thành phần của nó xoay quanh “hubs” tri thức, là các trường đại học mà từ trước đến nay luôn nằm ở vị trí cô lập trên bản đồ quy hoạch lãnh thổ. Do đó, yêu cầu những thay đổi cơ bản từ tầm nhìn, quản trị đến chính sách hoạt động trong các mối quan hệ với các đối tác khác nhau bên trong lãnh thổ cũng như quốc tế.

Cần phải chỉ rõ rằng chính sách “Đổi mới đô thị” không phải là một chính sách chỉ tập trung vào tài chính. Nó còn là sự kết hợp giữa các chính sách giáo dục đào tạo, phát triển kinh tế đô thị và thậm chí là cả quốc phòng. Cho dù chúng có được xây dựng dựa trên mô hình đô thị nào, thì người dân vẫn chính là chủ sở hữu hợp pháp. “Kinh tế tri thức có nghĩa rằng “đô thị” được xây dựng bởi dân cư. Nó không tự phát triển một mình. Các dân cư trong đô thị phải ở trong thành phố và làm nên thành phố của họ”. (Scarwell, 2012). Họ kế thừa và xây dựng nên phần hồn của đô thị cũng như các thế hệ giáo viên xây dựng nên giá trị truyền thống của một trường đại học vậy.

Mô hình đô thị đại học trên cơ sở nền tảng đô thị thông minh mang đến nhiều cơ hội cho Bình Dương để có thể tiếp nhận rất nhiều tài nguyên tri thức mới, kéo theo là những sự đầu tư từ bên ngoài. Đó là sự hoà nhập hay hoà tan? Một khối lượng đầu tư lớn như vậy cũng là một thách thức lớn trước những sự yếu kém trong quản lý hệ thống và dây chuyền hoạt động của đô thị hiện nay cần những nghiên cứu và qui hoạch tốt hơn những gì Bình Dương đang có. Mong mỏi cho Đô thị Đại học sẽ là tương lai phát triển của Bình Dương.

Hiện nay, Bình Dương đột phá trong phát triển nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, với 65.000 căn hộ chỉ 3 triệu/m2 (có lẽ kết quả này còn bằng vào những chính sách thông thái). Bình Dương đã đổi mới tư duy để cho ra đời dạng “đô thị đầu tư hợp lý” vì con người bản địa – những người lao động bình dị hàng ngày sinh sống và đóng góp cho phát triển, họ đã có nhà ở đô thị. Tôi hi vọng những đứa con tương lai của họ sẽ được hưởng một đột phá nữa của Bình Dương – ra đời “đô thị đại học” ở tất cả các dạng thức có thể, để Bình Dương sẽ đi trước (cho những đứa trẻ thông minh hơn, có thể cạnh tranh tốt hơn) trong nền kinh tế tri thức đang gần kề, dù trước mắt vẫn muôn ngàn gian khó.

Theo PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục & ThS. KTS Trịnh Minh Hiếu (Viện nghiên cứu định cư) – kientrucvietnam

Nguồn: http://nctk.edu.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *