12 Lượt xem

Tin tức giáo dục

Giải mã sức hút của phương pháp Montessori

Montessori hiện là một trong những phương pháp giáo dục sớm phổ biến nhất bởi những lợi ích toàn diện đem đến cho hàng triệu trẻ em trên thế giới. Vậy điều gì làm nên sức hút của phương pháp Montessori?

Việc tìm hiểu các phương pháp giáo dục trẻ ở độ tuổi Mầm non vô cùng cần thiết và quan trọng đối với ba mẹ. Bởi đây là giai đoạn trẻ bắt đầu làm quen với thế giới, yêu thích khám phá, nhạy cảm với những biến đổi và có khả năng ghi nhớ đặc biệt tốt.

Giáo dục Montessori là gì?

Montessori là phương pháp giáo dục mang tính cá nhân hóa phù hợp với cách học, từng giai đoạn phát triển và sở thích của trẻ nhỏ. Với phương pháp giáo dục Montessori trẻ được phát triển một cách toàn diện về thể chất và trí tuệ thông qua những trải nghiệm thực tiễn.

Montessori được đặt theo tên của người sáng lập ra phương pháp giáo dục này – Maria Montessori. Bà là bác sĩ, nhà triết học, nhà giáo người Ý, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống và giáo dục của con người trên toàn thế giới.

Maria Montessori bắt đầu sự nghiệp với cương vị là một bác sĩ, tuy nhiên sau đó bà chuyển từ ngành Y sang Giáo dục. Bà đã sử dụng bộ óc của nhà khoa học để quan sát cách trẻ học tập sau đó nghiên cứu ra phương pháp giúp trẻ phát triển tốt hơn và mang lại kết quả đáng kinh ngạc.

Năm 1907, Tiến sĩ Maria Montessori đã khai giảng “Ngôi nhà cho trẻ” đầu tiên dành cho những trẻ chưa đủ tuổi đi học. Sau một năm áp dụng phương pháp giáo dục mới của bà, nhiều trẻ có thể đọc, viết và làm toán cơ bản. Những tin tức về lớp học được lan truyền sang khắp Châu Âu và sức hút của phương pháp Montessori được biết đến rộng rãi, lan rộng trên toàn thế giới.

Các nguyên tắc tạo nên sức hút của phương pháp Montessori

Tôn trọng trẻ thơ

Phần lớn triết lý của phương pháp Montessori xuất phát từ sự tôn trọng sâu sắc đối với trẻ nhỏ. Điều này liên quan đến việc tôn trọng sự độc nhất của mỗi trẻ, sự tự do lựa chọn, di chuyển, sửa chữa lỗi lầm và hoạt động trong không gian của riêng chúng. Các cô giáo Montessori sẽ làm việc và tương tác với trẻ bằng sự tôn trọng thực sự.

Trí tuệ thẩm thấu

Nghiên cứu của Maria Montessori đã xác định, 6 năm đầu đời quan trọng nhất với sự phát triển của trẻ. Bà gọi giai đoạn này là giai đoạn “trí tuệ thẩm thấu” để miêu tả khả năng tiếp thu của trẻ giống như miếng bọt biển hấp thụ mọi thông tin từ môi trường sống. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ nhanh chóng phát triển nhận thức về văn hóa, cuộc sống xung quanh, đồng thời xây dựng nền tảng hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ.

Thời kỳ nhạy cảm

Tiến sĩ Maria Montessori đã quan sát được các giai đoạn mà trẻ có đầy đủ khả năng để tiếp thu các kiến thức và học hỏi kỹ năng trong quá trình phát triển. Bà gọi những giai đoạn này là “thời kỳ nhạy cảm”, nói cách khác đây là “cửa sổ cơ hội” để trẻ học tập.

Giáo dục toàn diện cho trẻ nhỏ

Giáo dục Montessori tập trung vào nuôi dưỡng tiềm năng của trẻ thông qua việc  cung cấp những trải nghiệm học tập hỗ trợ sự phát triển về trí tuệ, thể chất, cảm xúc và xã hội. Chương trình giảng dạy Montessori bao gồm ngôn ngữ, toán học, cuộc sống thực tế, cảm quan và văn hóa. Tất cả các khía cạnh trong việc phát triển và học tập của trẻ đều được đan xen và quan trọng như nhau. Vì vậy, phương pháp Montessori đề cao giáo dục toàn diện cho trẻ nhỏ.

Học tập cá nhân 

Các chương trình học tập của Montessori đều mang tính cá nhân hóa, thiết kế dựa trên từng giai đoạn phát triển, sở thích và nhu cầu của mỗi trẻ. Các tiết học với giáo cụ Montessori được sử dụng dưới hình thức 1:1 dựa trên tiến trình học tập của từng trẻ.

Tự do vận động và lựa chọn 

Tiến sĩ Maria Montessori đã quan sát thấy trẻ học tốt nhất khi chúng tự do vận động, lựa chọn các hoạt động và tùy thuộc theo sở thích. Trong lớp học Montessori, trẻ được tự do đi lại xung quanh một môi trường đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, và lựa chọn vị trí học tập mà chúng cảm thấy sẽ học tốt nhất, sau đó khám phá việc học tập thông qua những trải nghiệm thực tế. Học tập theo phương pháp Montessori chủ yếu là chủ động, theo nhịp độ cá nhân, tự điều chỉnh và phù hợp với nhu cầu sở thích của mỗi trẻ.

Môi trường học được chuẩn bị kỹ lưỡng

Lớp học Montessori được coi như môi trường chuẩn bị sẵn. Đó là một không gian học tập được chuẩn bị kỹ lưỡng, nơi mọi thứ được đặt đúng vị trí và đều có mục đích phục vụ học tập. Điều này giúp trẻ có ý thức về trật tự vị trí các đồ dùng, qua đó phát triển tính logic trong nhận thức. Nguyên tắc cơ bản của ý tưởng này đó là “trật tự trong môi trường sống và tâm trí”. Trong không gian học tập này, trẻ được tự do chọn lựa hoạt động theo sở thích và tiến bộ theo tiến độ của riêng mình.

Động lực bên trong

Sức hút của phương pháp Montessori là đề cao quan điểm học tập như phần thưởng của chính mình. Trong lớp học Montessori sẽ không có bất cứ ngôi sao vàng nào thưởng cho bé. Thay vào đó, trẻ tìm thấy động lực qua việc cảm thấy đạt thành tựu khi hoàn thành mỗi hoạt động và học cách làm điều đó vì chính mình.

Tự lập 

Montessori là phương pháp giáo dục trẻ độc lập. Phương pháp này cung cấp cho trẻ môi trường học, thiết bị dụng cụ học tập và hướng dẫn trẻ cách tự suy nghĩ và hành động. Bên cạnh đó, Montessori luôn coi những đứa trẻ từ khi sinh ra đã có khả năng tự học và sẵn sàng học khi được cung cấp các biện pháp kích thích phù hợp. Mục tiêu cơ bản của phương pháp Montessori là giáo dục trẻ học cách tự lập.

Giáo dục tự động

Một trong những nguyên tắc cốt lõi của phương pháp Montessori là khái niệm về giáo dục tự động. Các giáo cụ Montessori phát triển dựa theo nguyên tắc này đồng thời cho phép trẻ tự định hướng việc học tập. Các cô giáo Montessori sẽ cung cấp môi trường được chuẩn bị sẵn, chỉ dẫn và khuyến khích trẻ tự học.

Chương trình giảng dạy Montessori hoạt động như thế nào?

Chương trình Montessori giảng dạy cho trẻ 5 lĩnh vực học tập chính: Kỹ năng sống, cảm quan, toán học, ngôn ngữ và văn hóa. Mỗi khu vực học tập sẽ có những giáo cụ được tăng độ phức tạp dần. Trẻ em tiến bộ như thế nào thông qua chương trình học Montessori đều dựa vào các giai đoạn phát triển và sở thích của trẻ.

Trong suốt quá trình học tập, giáo viên chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết. Nguồn ảnh: Canva pro.

Giáo viên Montessori sẽ trình bày trọng tâm của bài học để giới thiệu cho trẻ tên gọi và mục tiêu đạt được với mỗi giáo cụ. Sau đó, trẻ sẽ trải nghiệm các hoạt động cùng giáo cụ một cách độc lập, khám phá và hoàn thành mục tiêu.

Trong suốt quá trình đó, giáo viên sẽ đứng phía sau, quan sát cách trẻ thực hành và ghi lại sự tiến bộ của trẻ. Để khuyến khích trẻ làm việc độc lập, giáo viên chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết. Vì khi trẻ có cảm giác được giao nhiệm vụ, khả năng học hỏi và lưu trữ các kỹ năng, thông tin mới được kích hoạt và phát triển.

Bài học mới sẽ bắt đầu khi trẻ thực sự sẵn sàng sang bước tiếp theo. Thông qua sự thực hành nhuần nhuyễn, trẻ nắm vững quy trình và phát triển sự hiểu biết cơ bản trong từng lĩnh vực học tập.

Các nội dung giảng dạy chính

Kỹ năng sống

Giáo trình kỹ năng sống Montessori kết hợp giữa bài tập và các hoạt động mà trẻ quan sát được trong cuộc sống hàng ngày. Những hoạt động này giúp trẻ phát triển tính tự lập, khả năng tập trung và các kỹ năng vận động tinh thô. Một số hoạt động thực tế điển hình như vận chuyển đồ dùng, chuẩn bị thức ăn và dọn dẹp.

Cảm quan

Các hoạt động cảm quan dạy trẻ cảm nhận các giác quan về thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác, để chúng có những ấn tượng ban đầu và hiểu biết về thế giới xung quanh. Thông qua giáo cụ học tập, trẻ học được cách phân biệt kích thước, màu sắc và hình dạng đồng thời cảm nhận được mùi vị, âm thanh. Các hoạt động cảm quan là tiền đề giúp trẻ học toán, ngôn ngữ và hình học.

Toán học

Giáo cụ Montessori giúp trẻ nhận thức về các con số một cách hiệu quả. Nguồn ảnh: Canva pro

Chương trình toán học dạy trẻ hiểu các khái niệm phép toán trừu tượng thông qua mối liên hệ với những trải nghiệm thực tế. Trẻ học đếm số, xác định và nối chữ số với số lượng phù hợp, liên hệ các số thập phân với biểu tượng, và nhận thức về các phép toán cộng, trừ, nhân, chia nhờ giáo cụ Montessori.

Ngôn ngữ

Chương trình học ngôn ngữ Montessori cung cấp cho trẻ kiến thức và kỹ năng để trau dồi từ vựng và hiểu biết về ngôn ngữ. Các kỹ năng cần thiết cho việc đọc, viết và nói được phát triển thông qua những trải nghiệm thực tế khi sử dụng giáo cụ Montessori. Trẻ học cách phát âm, nhận dạng và tập viết chữ cái, cách ghép vần, đặt câu đơn giản và cầm bút chì đúng cách. Kỹ năng nói được cải thiện nhờ những giao tiếp xã hội, thời gian học nhóm và những bài học về thanh lịch, lịch sự

Văn hóa

Chương trình tìm hiểu văn hóa kết hợp đa dạng các môn học, bao gồm: Địa lý, Thực vật học, Động vật học, khoa học, lịch sử, âm nhạc và hội họa. Thông qua khám phá tìm hiểu về văn hóa, trẻ phát triển nhận thức về cộng đồng, thế giới xung quanh và trách nhiệm của chúng.

Sức hút của phương pháp Montessori so với giáo dục kiểu truyền thống? 

Khác với các trung tâm chăm sóc trẻ em và trường mầm non truyền thống, sức hút của phương pháp Montessori chính là thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ khám phá tiềm năng vô hạn.

Montessori thúc đẩy trẻ khám phá tiềm năng vô hạn của bản thân. Nguồn ảnh: Canva pro.

Những điểm khác biệt chính:

Giáo dục Montessori

  • Việc học phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu và từng giai đoạn phát triển của trẻ.
  • Giáo cụ Montessori khuyến khích học tập từ trải nghiệm thông qua việc thực hành và lặp đi lặp lại nhiều lần.
  • Chương trình giảng dạy tập trung vào giáo dục toàn diện.
  • Môi trường học tập được chuẩn bị kỹ lưỡng.
  • Tự do di chuyển và lựa chọn.
  • Nhấn mạnh việc học thông qua thực hành nhiều lần.
  • Tập trung vào động lực tự thân.
  • Tự do trong khuôn khổ.

Giáo dục kiểu truyền thống

  • Các chương trình giáo dục chỉ dựa trên khuôn khổ học tập những năm đầu đời của trẻ và chuyển giao chương trình giảng dạy quốc gia.
  • Bài học theo tiến độ chung.
  • Phần lớn học theo giáo án và chơi nhiều hơn.
  • Trẻ học bằng cách chơi với những món đồ chơi có sẵn.
  • Trải nghiệm học tập dựa trên các trò chơi.
  • Việc học của trẻ dựa trên mốc phát triển và khung chương trình cho trẻ mầm non.
  • Cấu trúc lớp học có sự thay đổi.
  • Tập trung vào lời khen ngợi và các động lực bên ngoài.
  • Tuân thủ nội quy lớp học.