Quốc tế hóa giáo dục đại học đang là xu thế phát triển của các trường đại học trên thế giới, và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Điều này góp phần nâng cao chất lượng, trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập trong khu vực và trên thế giới, từ đó mang lại tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên. Nhận thấy tầm quan trọng của quốc tế hóa, 10 năm trở lại đây, tất cả các văn bản của Chính phủ hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đề cập việc cần phải hội nhập ở khu vực, cụ thể là ASEAN và quốc tế.
Hiện nay, trong nhiều lĩnh vực đều đã và đang thực hiện quốc tế hóa: chính trị, kinh tế, văn hóa… Đặc biệt, giáo dục đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu bởi đây là nguồn gốc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Trong thời đại hội nhập quốc tế, việc tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm giáo dục của các nước và chú ý đến những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế sẽ giúp đất nước giảm bớt khó khăn và đi đúng hướng văn minh của thời đại. Khi đó, nguồn nhân lực được đào tạo mới đủ trình độ và sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên toàn cầu.
Giáo dục là một thị trường khắc nghiệt. Sau nhiều năm cải cách và thay đổi, giáo dục Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của toàn dân, đòi hỏi của đất nước và hội nhập quốc tế.
Sự chậm chạp đổi mới của một số trường đại học
Các trường đại học hiện nay vẫn còn chậm chạp, chủ yếu sử dụng các chương trình cũ không được thịnh hành. Những chương trình dạy bằng tiếng nước ngoài rất thuận lợi trong quá trình giảng dạy, còn những chương trình dạy bằng tiếng Việt thường không được cập nhật, đổi mới vì vấp phải hạn chế về thời gian và việc biên dịch.
Do đó, những gì nhà trường dạy không thể đáp ứng được với những gì mà doanh nghiệp cần, bởi vậy sinh viên ra trường thường phải đào tạo lại, cho thấy chương trình giảng dạy cần phải có sự thay đổi. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ra trường phải chấp nhận làm những công việc bằng chân tay (lao động bậc thấp) để trang trải cuộc sống, thậm chí là thất nghiệp.
Như đã biết, cùng với quốc tế hóa là sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của công nghệ như internet, điện thoại thông minh, máy tính xách tay… Một chiếc máy có khả năng thay thế 50 con người, vậy nếu nhân công Việt Nam không có trình độ bậc cao, không sớm thì muộn sẽ nhanh chóng bị loại bỏ.
Bên cạnh các dịch vụ công nghệ phát triển mạnh mẽ, các trường đại học nếu không xác định hướng đi đúng đắn thì trong tương lai sẽ không biết đào tạo ai, đào tạo ra làm gì để bắt kịp thời đại. Nên dù là trong hay ngoài nước, lao động bậc thấp đều có nguy cơ bị đào thải nhanh chóng.
Quốc tế hóa giáo dục có ý nghĩa đối với đào tạo nguồn nhân lực
Trong quá trình phát triển, khoảng cách về thông tin và trình độ tri thức giữa các nước công nghiệp hóa và các nước đang phát triển ngày càng lớn và khoảng cách về thu nhập còn lớn hơn nữa.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nghèo nàn, khả năng khai thác nguồn lực hạn chế và điều kiện kinh tế, xã hội yếu kém đang là rào cản cơ bản đối với các nước đang phát triển khi bước vào kỷ nguyên mới. Để vượt qua được những thách thức to lớn do quá trình toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức đặt ra, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp thu và tái tạo tri thức.
Do đó, vai trò của giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học càng trở nên quan trọng và trở thành quốc sách hàng đầu đối với nhiều quốc gia. Các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối diện với những thách thức trong giáo dục, nhất là khi thực hiện quốc tế hóa giáo dục. Vì vậy, cần phải học hỏi những kinh nghiệm, chuẩn mực và giá trị quốc tế tiên tiến làm cơ sở và đích đến cho nền giáo dục Việt Nam. Quốc tế hóa toàn diện nền giáo dục, từ tư duy đến hành động để nhằm tạo ra thế hệ người Việt Nam mới, thành thạo các kỹ năng sống, làm việc và cạnh tranh có văn hóa trên phạm vi thế giới.
Một trong nhiều trường đại học đi đầu trong việc quốc tế hóa giáo dục, đó là trường Đại học Hà Nội (HANU). Đây là trường công lập, được thành lập từ năm 1959, trước đây là trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Hiện trường có 12.000 sinh viên, đào tạo 18 chương trình cử nhân, trong đó chủ yếu là các ngành ngôn ngữ (tiếng Anh, Pháp, Đức… và ngoài ra trường còn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài) và 14 chương trình liên kết với các trường đại học nước ngoài. Sau đó, từ năm 2002, nhà trường mở thêm các ngành khác để trở thành trường đại học đa ngành: Quản trị kinh doanh, du lịch, kế toán, ngân hàng tài chính, quốc tế học, công nghệ thông tin dạy bằng tiếng Anh và ngành truyền thông dạy bằng tiếng Pháp.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cho biết: “Ngoại ngữ là con đường để hội nhập nhanh nhất thì chúng ta lại đang yếu. Do đó, chủ trương của nhà trường là khi mở một ngành nào đó đều sẽ dạy bằng tiếng nước ngoài, không dạy bằng tiếng Việt. Mục đích là để sinh viên có thể hội nhập nhanh nhất với thị trường lao động, đồng thời khi xây dựng giáo trình đào tạo, nhà trường chủ yếu tham khảo chương trình của các trường đại học nước ngoài (thường là năm trường đại học lớn) để chọn ra chương trình hay nhất, phù hợp với yếu tố và thực tế của Việt Nam”.
Cùng với xu thế hội nhập, quốc tế hóa giáo dục đại học là một tất yếu để chuyển giao công nghệ và tri thức, nhưng điều đó không đồng nghĩa với thương mại hóa và biến giáo dục thành một sản phẩm hàng hóa để trao đổi trên thị trường. Các bước đi trong hoạch định chính sách nhằm khai thác hiệu quả hợp tác quốc tế phụ thuộc rất lớn ở mỗi cơ sở giáo dục đại học.
PHƯƠNG ANH/ Báo Nhân Dân