Khái niệm đô thị đại học theo cách nhìn nhận chung trên các nghiên cứu của thế giới có hai cách hiểu chính
1/ Một đô thị (tổ chức hành chính cụ thể) có trụ sở chính của một hay nhiều nhà trường ĐH, trong đó tỉ trọng SV hay giảng viên/cán bộ khoa học/nhân viên làm việc cho các cơ sở GD ĐH phải chiếm tỉ lệ đáng kể;
2/ Một đô thị có các trường đại học và toàn bộ cuộc sống đô thị (thể hiện qua các loại hình dịch vụ) tập trung vào phục vụ các hoạt động của các trường đại học trên địa bàn.
Như vậy có 2 chủ thể chính trong một đô thị đại học là: 1/ Đô thị (có tư cách pháp lí rõ ràng) như thị trấn hay thành phố; 2/ Một hay nhiều cơ sở GD ĐH nằm trong địa giới hành chính của đô thị đã nêu. Trong quan hệ giữa 2 chủ thể đó, vai trò của nhà trường ĐH đối với thành phố/thị trấn và SV đối với dân cư tại chỗ luôn là vấn đề cần được quan tâm. Quan hệ giữa các cơ sở GD ĐH trong cùng đô thị ĐH cũng có thể có ý nghĩa nhất định khi xem xét, đánh giá sự đóng góp của các cơ sở GD ĐH đến sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, khu vực và quốc gia vì với mỗi loại hình cơ sở GD ĐH sẽ có những liên kết và tầm ảnh hưởng kinh tế khác nhau.
Ở Việt Nam và trên thế giới hiện tại có nhiều khu đô thị đại học đang để các nhà đầu tư nghiên cứu, học hỏi và rút kinh nghiệm
1.Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội – Hòa Lạc
Dự án Đại học quốc gia Hà Nội nằm trên đất của huyện Thạch Thất cách trung tâm Hà Nội 30km về phía tây. Quy mô sử dụng đất là khoảng 1.113,7ha, trong đó khu dự án Đại học quốc gia Hà Nội là 887,9ha, các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1ha, khu tái định cư là 113,7ha. Quy mô là khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và 6.550 cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai, đến nay dự án này vẫn chưa biết khi nào có thể về đích. Kế hoạch triển khai dự án có sự thay đổi, theo đó, quy mô xây dựng đến năm 2025 là cho 8 trường đại học, 5 khoa trực thuộc, 5 viện nghiên cứu trực thuộc, 10 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và các trung tâm nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ và các trung tâm phục vụ khác. Tổng diện tích sàn xây dựng là 1.922.750m2 sàn xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn chỉnh.
2.Khu đô thị Đại học Phố Hiến – Hưng Yên
Đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến được phê duyệt năm 2009, quy mô sử dụng đất khoảng 1.000ha, gồm đất xây dựng các cơ sở đại học, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ khoảng 700ha, đất xây dựng đô thị khoảng 300ha tại TP. Hưng Yên và huyện Tiên Lữ, quy mô đào tạo khoảng 80.000 sinh viên và khoảng 500 – 1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu.
Tuy nhiên, trong số hơn chục trường đại học dự kiến chuyển về xây dựng cơ sở đào tạo tại khu đại học Phố Hiến, chỉ có hai trường về đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo tại khu đại học Phố Hiến là Trường đại học Chu Văn An và Trường Đại học Thủy lợi. Bên cạnh đó, có bốn khu dân cư đã được xây dựng trong khu đại học Phố Hiến.
3.Khu đô thị Đại học Incheon Global Campus
Incheon Global Campus (IGC) được xây dựng trong một khu đất với tổng diện tích 29,5 ha, nằm trong Khu kinh tế mở Incheon. IGC nằm ở phía nam của thành phố Incheon, cách trung tâm thành phố Incheon là 10 km và trung tâm thành phố Seoul là 35 km, cách Sân bay quốc tế Incheon khoảng 22 km. Di chuyển từ IGC đến sân bay Incheon mất khoảng 30 phút đi xe ô tô, IGC có thể kết nối với thành phố Seoul bằng nhiều tuyến xe bus và bằng tàu điện.
Có thể thấy được vị trí của IGC mang tính chiến lược, gần với sân bay quốc tế, với trung tâm kinh tế – chính trị của Hàn Quốc và là một bộ phận của Khu kinh tế mở Incheon. Việc kết nối từ IGC với các trung tâm này thông qua 3 tuyến xe bus và 1 tuyến tầu điện, với thời gian di chuyển tổng cộng dưới 1 giờ đồng hồ đảm bảo sự thuận tiện của sinh viên, giảng viên và nhân viên của IGC trong sinh hoạt, làm việc tại IGC.
IGC đã thu hút được 4 trường đại học, 01 Viện nghiên cứu, và 01 Học viện đào tạo, đa số đến từ Hoa Kỳ (trừ Đại học Ghent từ Bỉ) mở chi nhánh. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất, các tòa nhà, trang thiết bị đã được xây dựng, lắp đặt xong và đi vào khai thác sử dụng. Cơ sở hạ tầng, khuôn viên của IGC được đánh giá là rất hiện đại, đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc và cảnh quan, môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, theo kế hoạch đến năm 2025, mục tiêu khai thác, lấp đầy khuôn viên là 100% công suất với 10 trường đại học thành viên sẽ là một thách thức lớn cho IGC trong các năm tới. Nguyên nhân chính là do mô hình của IGC vẫn là mô hình giáo dục đại học truyền thống, thiếu hệ sinh thái giá trị xoay quanh dịch vụ giáo dục nhất là khi giáo dục đại học quốc tế ở Hàn Quốc đã bão hòa.
4.Khu Đô thị Đại Học Tsukuba – Nhật Bản
Năm 1872, tiền thân của Đại học Tsukuba là trường Tokyo Shihan Gakko đã đi vào hoạt động tại Bunkyo, Tokyo. Năm 1959, trường đổi tên thành Đại học Giáo dục Tokyo; bắt đầu thực hiện chính sách mở rộng trong và ngoài nước; tiếp nhận sinh viên quốc tế nhập học. Năm 1973, Đại học Giáo dục Tokyo dời về Ibaraki và đổi tên thành Đại học Tsukuba.
Đại học Tsukuba có 2 cơ sở chính tại Tsukuba và Tokyo. Bên cạnh đó còn xây dựng Thành phố khoa học Tsukuba với các trung tâm bệnh viện và viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ sinh viên thực hành kỹ năng thường xuyên.
Trường hiện đang giảng dạy hơn 16.500 sinh viên. Trong đó có hơn 2.500 sinh viên quốc tế, nhiều giảng viên cả trong và ngoài nước có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm.
Đại học Tsukuba được hình thành với sự quản lý chặt chẽ về mặt quy hoạch từ ban đầu.
Tsukuba hoàn toàn không xây dựng hệ thống tường bao ngoài, chỉ sử dụng những không gian cây xanh và hồ nhân tạo để ngăn cách. Diện tích cả khu vực là 246,5 km
Trong khu vực này còn có 10 trường tiểu học, trung học phục vụ cho dân cư sinh sống tại đây.
Ngoài ra, trường còn xây dựng một thành phố khoa học Tsukuba với hơn 300 trung tâm, bệnh viện và viện nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên theo học tập, thực hành và rèn luyện các kỹ năng thường xuyên
Trường có 31 trường ĐH thành viên và hơn 100 khoa học thuật tổ chức thành sáu trường
Trên đây là một số Khu đô thị Đại học trong nước và quốc tế tiêu biểu mà các nhà đầu tư cần nghiên cứu và xem xét, học hỏi. Ngoài việc chú ý đến công năng và quản lý các thành phần trong khu, nhà đầu tư cần lưu ý đến sự tương tác của các bộ phận cấu phần với các hoạt động kinh tế – xã hội khác bên ngoài nhà trường đại học. Các nhà quản lí và quy hoạch quan tâm nhiều nhất đến các chức năng giáo dục và dịch vụ phục vụ sinh viên và những người đang làm việc bên trong các trường đại học.