14 Lượt xem

Tin tức giáo dục

DẠY HỌC THÔNG QUA TRẢI NGHIỆM LÀ MỘT PHƯƠNG PHÁP KÍCH THÍCH ĐƯỢC CÁC TIỂM NĂNG TRÍ TUỆ CỦA TRẺ

Mở đầu

Sáu năm đầu đời được coi là thời kỳ phát triển “vàng” đối với cuộc đời mỗi con người. Vì vậy, giáo dục mầm non tốt sẽ là tiền đề để hình thành một cá nhân toàn diện. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục sớm đối với trẻ em, công tác giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học ở trường mầm non ngày càng được chú trọng. Dạy học thông qua trải nghiệm là một phương pháp có nhiều ưu điểm và kích thích được các tiềm năng trí tuệ của trẻ. Phương pháp dạy học trải nghiệm được sử dụng trong nhiều mô hình ngoài mô hình giáo dục quốc gia như: mô hình giáo dục của Shichida Makoto (Nhật Bản), Glenn Doman (Mỹ), Phùng Đức Toàn (Trung Quốc), phương pháp giáo dục Montessori.

Montessori là phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, dựa trên nền tảng tự do, cho phép trẻ được tự tiếp xúc, ứng xử, khám phá một cách một cách tự nhiên với môi trường xung quanh. Tinh thần giáo dục Montessori đã khẳng định một cách rõ ràng vai trò của giáo dục trải nghiệm trong quá trình học tập của trẻ, cho thấy sự phù hợp giữa phương pháp và mô hình để mang lại một kết quả tốt hơn. Để phù hợp với các đặc điểm tâm sinh lý trẻ, nội dung chương trình giáo dục khoa học cho trẻ ở các trường Mầm non cũng có những thay đổi. Tuy vậy, quá trình này vẫn còn có những hạn chế như ôm đồm quá nhiều nội dung khám phá, quy trình khám phá đơn điệu, nhàm chán,trẻ học một cách thụ động… “Giáo dục khoa học cho trẻ mầm non theo ”phương pháp Montessori là một lựa chọn cần thiết giúp giáo viên giải quyết những hạn chế trên và giúp giáo viên có một cái nhìn đúng đắn về trẻ em và các phương pháp dạy học mới.

 

Một số vấn đề về giáo dục trải nghiệm

Trải nghiệm

 Trải nghiệm là quá trình nhận thức, khám phá đối tượng bằng việc tương tác với đối tượng thông qua các thao tác vật chất bên ngoài (nhìn, sờ, nếm, ngửi…) và các quá trình tâm lý bên trong (chú ý, ghi nhớ, tư duy, tưởng tượng). Thông qua đó,chủ thể có thể học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, tiếp thu, tích lũy được những kinh nghiệm cho bản thân và hoàn thiện các kĩ năng trong cuộc sống.

Giáo dục trải nghiệm

Ngay từ xa xưa, con người đã có những hiểu biết nhất định về ý nghĩa và vai trò của trải nghiệm với việc học tập của mỗi cá nhân. Ở phương Đông, hơn 2000 năm trước, Khổng Tử (551- 479 TCN) nói: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên. Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Tư tưởng này thể hiện tinh thần chú trọng học tập từ trải nghiệm và việc làm. Ở phương Tây, Aristotle (384- 332TCN) cho rằng: “Những điều chúng ta phải học trước rồi mới làm, chúng ta học thông qua làm việc đó” [2, tr41]

Trong rất nhiều quan điểm, triết lý khác nhau về giáo dục trải nghiệm, không thể không nhắc đến quan điểm giáo dục Montessori. Montessori khẳng định: “Trẻ tự đào luyện mình trong mối quan hệ với môi trường” [1, tr60]. Có nghĩa là những gì mà trẻ có được phải “thông qua hoàn cảnh sống bên ngoài”, thông qua hoạt động tương tác trực tiếp của trẻ với môi trường. Một trong những tư tưởng triết lý của Montessori là chúng ta “không nên coi trọng trí óc hơn là đôi tay, mà phải kết hợp cả hoạt động của trí óc với đôi tay tạo thành một hoạt động sáng tạo song hành” [1, tr59]. Montessori gọi đôi tay là công cụ của trí tuệ và nhận định “đôi tay phối hợp với bộ não để tạo nên trí thông minh của trẻ”. Như vậy, “trải nghiệm” theo quan điểm Montessori nhấn mạnh việc học được thực hiện thông qua các tương tác với môi trường bằng sự kết hợp của nhận thức cảm tính và lý tính (sự phối hợp của đôi tay và trí óc) và cho rằng đó là một phần không thể thiếu để trẻ phát triển và hoàn thiện. Vai trò của trẻ trong quá trình trải nghiệm không chỉ là người tham gia mà chính là chủ thể thực hiện các tương tác với đối tượng; thông qua quá trình tương tác này mà kiến tạo những kiến thức mới trở thành kinh nghiệm của bản thân.

 

     Đặc trưng của giáo dục trải nghiệm

     Học tập được tiếp nhận tốt nhất trong quá trình, không phải ở kết quả. Nghĩa là giáo dục trải nghiệm không chỉ quan tâm đến kết quả của việc học đó ra sao mà quan trọng hơn là trẻ học như thế nào trong quá trình học tập đó. Như vậy, kết quả không phải là yếu tố quyết định tất cả về việc học mà cần quan tâm cả quá trình đi đến kết quả đó.
Học tập trải nghiệm là quá trình liên tục bắt nguồn từ kinh nghiệm để tạo ra tri thức. Có nghĩa là nguồn gốc những kiến thức mà trẻ có được xuất phát từ thực hành chứ không phải là một lý thuyết. Từ những kinh nghiệm đã có đó, kết hợp với những gì mà trẻ cảm nhận được bằng các giác quan để xây dựng, một kiến thức mới hoặc mở rộng kiến thức của bản thân trẻ chứ không phải chỉ là ghi nhớ những gì trẻ thấy.

Học tập trải nghiệm bao gồm các tương tác giữa con người với đối tượng. Nghĩa là kiến thức mà trẻ thu được không phải nhờ vào việc cô truyền thụ cho trẻ hay trẻ bị động, ngồi yên, mà cách duy nhất để học tập thông qua giáo dục trải nghiệm là trẻ phải chủ động, tích cực tiếp xúc, tác động tới môi trường đó.

Vai trò của giáo viên và học sinh trong quá trình giáo dục trải nghiệm. Trong quá trình trải nghiệm, trẻ là trung tâm là chủ thể của hoạt động trải nghiệm. Vì vậy, giáo dục trải nghiệm đòi hỏi trẻ phải có nhu cầu, hứng thú, sự tò mò với đối tượng trải nghiệm. Bởi vì chính sự hứng thú, tò mò sẽ trở thành động lực thúc đẩy trẻ tham gia vào quá trình trải nghiệm và tự trải nghiệm để tìm hiểu thế giới xung quanh. Cùng với trẻ, giáo viên là người dẫn dắt, hướng trẻ vào môi trường trải nghiệm, đồng thời là người quan sát, giúp đỡ và kiểm tra, hướng dẫn, hệ thống lại những kiến thức mà trẻ thu được quá trải nghiệm.
Môi trường trải nghiệm là một yếu tố quan trọng và cần thiết trong quá trình trải nghiệm. Môi trường trải nghiệm phải khai thác được hết kinh nghiệm của trẻ; đảm bảo an toàn, đầy đủ đối tượng trải nghiệm để trẻ có thể chủ động, tích cực tương tác với môi trường.
Tóm lại, giáo dục trải nghiệm là việc giáo viên tổ chức cho trẻ tương tác với đối tượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của “trí óc” và “đôi tay”. Quá trình tổ chức trải nghiệm đó cần được thiết kế dựa trên vốn kinh nghiệm của trẻ và khơi gợi sự hứng thú, trí tò mò thúc đẩy trẻ tham gia vào hoạt động trải nghiệm. Trong hoạt động trải nghiệm, việc trẻ tích cực, chủ động tiến hành trải nghiệm quan trọng hơn kết quả của quá trình đó.

Nguồn từ: Tạp chí giáo dục (Giáo dục Lào Cai – Trang tin điện tử giáo dục)
(Tóm tắt nội dung bài viết của tác giả La Thị Bích Ngọc, Khoa Tiểu học – Mầm non, Trường CĐSP Lào Cai)