19 Lượt xem

Tin tức giáo dục

Tái cấu trúc các trường đại học

TTO – “Tái cấu trúc các trường đại học, cao đẳng lẽ ra cần phải làm sớm hơn rất nhiều mới phải. Bởi lẽ đã có không ít trường chết ‘lâm sàng’ từ lâu rồi”.

GS Đinh Văn Sơn – hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, nhận xét khi đề cập đến chủ trương sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, cơ sở giáo dục – đào tạo hoạt động không hiệu quả của Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị trung ương 6.

Theo ông Sơn và các chuyên gia khác, nếu được triển khai đến nơi đến chốn, chủ trương này sẽ tạo nên diện mạo mới cho giáo dục ĐH Việt Nam.

Giải bài toán “đơn ngành, khép kín”

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy cả nước có hơn 230 trường ĐH, học viện với quy mô hơn 1,7 triệu sinh viên. Sự phát triển quá “nóng” về số lượng các cơ sở giáo dục ĐH trong thời gian dài trước đây đã để lại hệ lụy về sự khập khiễng giữa tăng tốc quy mô và nâng cao chất lượng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT, khẳng định hệ thống giáo dục ĐH trong nước đang rất manh mún. Điều này bộc lộ ngay từ xu hướng phát triển của từng trường ĐH trong hệ thống.

Cụ thể, trong khi thế giới phát triển các trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực thì các trường ĐH của Việt Nam chủ yếu chạy theo xu hướng đơn ngành, khép kín. Điều này gây khó cho hoạt động của chính trường ĐH bởi việc chỉ tập trung vào đơn ngành đào tạo khiến các trường không bắt nhịp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

“Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nếu một trường ĐH có tổng quy mô dưới 3.000 sinh viên, chi phí đào tạo sẽ bị đội lên rất cao. Vì vậy nếu là trường đa ngành, có khả năng đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế luôn biến động sẽ đảm bảo được quy mô đào tạo hợp lý.

Tuy nhiên, ở nước ta để giải quyết bài toán chi phí, nhiều trường đơn ngành tìm nhiều cách nhằm tăng quy mô, giảm chi phí đào tạo. Như vậy làm sao đảm bảo được chất lượng?” – ông Khuyến phân tích.

Theo ông Khuyến, năm 1993-1994 lần lượt 5 ĐH đa lĩnh vực là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng đã được thành lập.

Với 5 ĐH trên, xã hội mong chờ những ưu việt mà kiểu trường này sẽ thể hiện như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, học với giảng viên giỏi nhất ở tất cả môn học…

“Tuy nhiên, cho tới nay, các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau – trước hết là về mặt đào tạo, nên ĐH không có được sức mạnh tổng hợp” – ông Khuyến nói.

What happens at a graduation ceremony? - Graduate Coach

Sáp nhập, hợp nhất theo lộ trình để Tái cấu trúc các trường đại học

GS Đinh Văn Sơn – hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại – cho rằng: “Tái cấu trúc các trường ĐH, CĐ lẽ ra cần phải tiến hành sớm hơn rất nhiều mới phải. Bởi lẽ trong thực tế đã có không ít trường – nhất là các trường trực thuộc các tỉnh, thành phố – “chết lâm sàng” từ lâu rồi.

Cùng với đó, rất nhiều trường thiếu một chiến lược phát triển, thậm chí chiến lược phát triển không khả thi. Thực tế đòi hỏi chúng ta cần nhanh chóng triển khai ngay, đồng bộ, quyết liệt và trách nhiệm các giải pháp cần thiết”.

Theo GS Sơn, việc này không chỉ thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT mà còn liên quan tới các bộ, ngành khác và các địa phương. Thực tế, trước khi nghị quyết 19 được ban hành, việc sáp nhập một số cơ sở giáo dục đã được thực hiện nhưng chưa thành một chủ trương lớn.

Điển hình như việc sáp nhập Trường trung cấp Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin 1 trở thành cơ sở của Trường ĐH Thương mại đặt tại Hà Nam vào năm 2016.

Tuy nhiên, theo GS Sơn, để thực hiện chủ trương này trên diện rộng cần cách tổ chức thực hiện bài bản, chứ không thể chỉ dựa vào việc chủ động đề xuất đơn lẻ của từng cơ sở giáo dục.

Theo đó, Nhà nước cần rà soát, danh mục hóa các trường trong diện phải sáp nhập, hợp nhất… rồi tính toán thực hiện theo lộ trình phù hợp.

Còn TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD-ĐT, cho rằng để hiện thực hóa tinh thần nghị quyết đòi hỏi không chỉ ý chí của nhà lãnh đạo, mà còn cần sự đồng thuận của hệ thống chính trị.

Sắp xếp lại trước, đầu tư chiều sâu sau?

Nghị quyết trung ương 6 nhấn mạnh: Nhà nước sẽ tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường ĐH công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Theo một số chuyên gia giáo dục, thực tế thời gian qua đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH không phải ít, nhất là với trường ĐH trọng điểm, các ĐH quốc gia… Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong đợi.

“Theo tôi, trước khi đầu tư chiều sâu thì phải sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống một cách bài bản, chọn được đúng địa chỉ đầu tư hiệu quả. Còn cứ đầu tư trong điều kiện giáo dục ĐH còn lùng nhùng như hiện nay có thể sẽ lãng phí” – TS Lê Viết Khuyến phân tích.

Còn theo TS Hoàng Ngọc Vinh: “Giải pháp cần nhất lúc này là phải thiết kế được quy hoạch phát triển giáo dục ĐH 15-20 năm tới. Những cơ sở giáo dục ĐH yếu kém ở địa phương cần sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục ĐH có uy tín, kinh nghiệm đào tạo.

Đồng thời, đóng bớt một số ngành hoặc giảm quy mô ở những nơi chất lượng đào tạo kém và dùng công cụ tài chính để tạo ra sự cạnh tranh nguồn lực bằng chất lượng hiệu quả, thúc đẩy tự chủ.

Xét về quy mô, nhân lực có trình độ ĐH ở nước ta vẫn còn rất thấp, mới khoảng 9%; trong khi ở các nước phát triển thuộc OECD nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên khoảng 25-30%. Vì vậy, cần tránh khuynh hướng hạn chế phát triển giáo dục ĐH mà thiếu cơ sở khoa học”.

Theo Báo Tuổi trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *