32 Lượt xem

Tin tức giáo dục

Đại học TN&MT Hà Nội tái cấu trúc bộ máy đại học theo hướng tự chủ

(TN&MT) – Để thực hiện vấn đề tự chủ đại học, các trường đại học cần xây dựng chiến lược quản trị đại học, trong đó, tái cấu trúc bộ máy đại học là một trong những giải pháp giúp quản trị đại học ngày càng hiệu quả hơn.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội

Để hiểu rõ những thời cơ, thách thức và hiệu quả của việc tái cấu trúc bộ máy đại học hướng tới quản trị đại học theo hướng tự chủ, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

PV: Xin ông cho biết, để quản trị tổ chức đại học, Nhà trường đã xây dựng và phát huy các yếu tố, trụ cột gì?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Thời gian qua, chúng ta đã nói nhiều đến việc tự chủ đại học, đây là vấn đề tất yếu khách quan, đã được Đảng và Nhà nước có chủ trương từ rất lâu, các trường đã có thời gian để chuẩn bị về nguồn lực cũng như tâm thế để sẵn sàng thay đổi mình phục vụ nhu cầu người học được tốt hơn. Là một đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong và ngoài Bộ đã giúp chúng tôi dần khắc phục được những khó khăn và đạt được sự tăng trưởng mạnh về quy mô và chất lượng.

Về mặt quản trị, một đơn vị sự nghiệp nói chung, muốn tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới, cần phải phát huy 3 trụ cột là: Quản trị, Marketing, Tài chính. Đây là 3 giá trị cốt lõi mà bất cứ tổ chức nào cũng cần phải theo đuổi. Tập thể lãnh đạo chúng tôi cũng từng bước thực hiện các trụ cột đó trong thời gian qua như tăng cường tính chủ động cho các đơn vị trong trường, tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn phù hợp với chủ trương của Bộ về tinh giản bộ máy, xây dựng bộ phận truyền thông và tư vấn tuyển sinh để tang cường nhận diện thương hiệu với người học, triển khai mô hình KPIs trong trường học để nâng cao hiệu quả quản trị tài chính… và đặc biệt, hiện nay, chúng tôi đang thực hiện chuyển đổi số trong trường học. Như vậy, với việc triển khai đồng bộ các nội dung trên, chúng tôi tin rằng, chất lượng giảng dạy của nhà trường sẽ ngày một nâng cao hơn.

PV: Những trụ cột này có vai trò cụ thể như thế nào trong việc thay đổi cách thức và mô hình quản lý trong trường, thưa ông?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Trong thời gian ngắn, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là thói quen cũng như cách nhìn nhận của đội ngũ cán bộ trong nhà trường. Trước đây, chúng tôi hoạt động theo tư duy cũ là bị động ngồi chờ người học tìm đến, bộ máy quản lý các đơn vị trong trường nhiều khi còn thụ động chờ phân công, phối hợp công việc… Tuy vậy, trong 2 năm vừa qua, với việc được Bộ chủ quản ủng hộ, tạo điều kiện mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, chúng tôi đã thay đổi mô hình quản trị đại học, quản lý theo tiến độ chất lượng công việc, thành lập bộ phận truyền thông và tuyển sinh để phát huy tối đa sức mạnh của công cụ Marketing chủ động tiếp cận với người học. Do đó, năm 2019, lần đầu tiên sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi đã đạt kỷ lục về tuyển sinh với số lượng gần 5.000 sinh viên nhập học trong một khóa.

Đặc biệt, với công cụ KPIs khi đưa vào sự dụng đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người lao động trong trường về cách thức làm việc, ai làm nhiều sẽ được thành quả tương xứng, bộ phận nào chậm tiến độ cũng sẽ bị đánh giá ngay… Những việc này đã thay đổi rất nhiều đến phong cách phục vụ của nhà trường với sinh viên, kết quả là thương hiệu của nhà trường ngày một tin cậy hơn trong người học và xã hội.

PV: Được biết, Nhà trường đang lên kế hoạch tái cấu trúc bộ máy đại học, vậy xin ông cho biết, kế hoạch này đang được triển khai đến đâu và gặp những thuận lợi, khó khăn như thế nào?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Tự chủ đại học gắn với 3 nội dung là: Tự chủ về bộ máy, tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự chủ về tài chính. Như tôi đã nói, khi tự chủ thì nhà trường sẽ phát huy 3 trụ cột để quản trị đại học, trong thời gian qua, chúng tôi đã từng bước thực hiện các cải cách thủ tục hành chính, tăng tính chủ động trong hoạt động đào tạo với các đơn vị, nhất là các khoa có quản lý sinh viên, đặc biệt trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai mô hình chuyển từ khoa đào tạo sang viện đào tạo để tăng tính tự chủ hơn trong hợp tác và nghiên cứu của các đơn vị.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện bộ công cụ KPIs nhằm tăng cường hiệu quả của quản trị tài chính, hoàn thiện phòng Truyền thông và Tuyển sinh tiến tới chuyên nghiệp hóa khâu tiếp cận người học, nhập học và quản lý đào tạo. Đặc biệt, việc chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của Nhà trường như hiện nay sẽ tạo tiền đề vững chắc khi tự chủ đại học.

Mặc dù, được lãnh đạo Bộ ủng hộ và tạo điều kiện, nhưng chúng tôi cũng có những khó khăn nhất định mang tính chủ quan và khách quan như hạn chế về nhận thức của cán bộ còn tâm lý ngại tự chủ và thích được “bao cấp” hơn, trình độ quản lý của một số đơn vị chưa theo kịp với mô hình quản trị đại học mới, nguồn lực tài chính còn chưa đủ mạnh… Chúng tôi đang từng bước khắc phục trong thời gian ngắn nhất.

PV: Theo ông, việc triển khai hiệu quả tái cấu trúc bộ máy trong Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đưa Nhà trường trở thành trường đại học tự chủ theo lộ trình của Nhà nước?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Tự chủ đại học là xu thế hiện nay, theo tôi trong 3 trụ cột để quản trị đơn vị sự nghiệp thì trụ cột được xếp đầu tiên đó là Quản trị. Trong đó, bộ máy là yếu tố then chốt của quản trị, một bộ máy tốt sẽ cho nhà trường một hiệu quả quản trị cao nhất. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi ưu tiên việc thay đổi mô hình quản trị, tinh gọn bộ máy, tăng tính tự chủ cho các đơn vị. Nhất là trong mô hình đào tạo tiến tới thực hiện việc hình thành đại học đa ngành đa lĩnh vực để phát triển về quy mô cũng như chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, việc tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính, các quy định về tài chính sẽ được mở rộng tới các đơn vị trong trường sẽ là nhân tố thúc đẩy sự tự chủ từ chính các đơn vị của trường, chắc chắn sẽ tạo động lực to lớn để nhà trường sẵn sàng với tâm thế tự chủ theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MAI ĐAN (thực hiện)